Thành công của Cách mạng Tháng Tám là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó yếu tố về sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp chặt chẽ giữa “ý Đảng” với “lòng dân” là yếu tố quyết định. Đó còn biểu hiện rõ nét truyền thống quý báu của lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta, trở thành một giá trị tiêu biểu của nền văn hóa – chính trị Việt Nam trong các thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhìn lại chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam, chỉ khi nào lòng dân quy về một mối, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố vững chắc thì nội lực dân tộc mới được phát huy cao nhất, đất nước mới phát triển, nhân dân hạnh phúc. Và chính sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn là một bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam, tạo ra nhân tố quyết định cho sự thắng lợi của cả sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Đảng ta ra đời đã quy tụ được sức mạnh của toàn thể nhân dân tạo nên sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc, có sự kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đây là tiền đề quan trọng nhất cho những bước phát triển tiếp theo và cho thắng lợi hoàn toàn của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này.
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì họp từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941 tại Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng. Dự Hội nghị có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Phùng Chí Kiên, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Vũ Anh và một số đồng chí khác. Hội nghị đã phân tích tình hình cách mạng trong nước và quốc tế, phát triển quan điểm của các hội nghị Trung ương Đảng (tháng 11/1939 và tháng 11/1940), đề ra những quan điểm, nội dung cơ bản, quan trọng của cách mạng giải phóng dân tộc. Theo đó, đặt mục tiêu giành độc lập dân tộc và các lợi ích quốc gia lên hàng đầu; quyền lợi của bộ phận, giai cấp phục tùng lợi ích dân tộc. Đồng thời, Đảng ta chú trọng đến việc xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng, lấy khởi nghĩa vũ trang làm nhiệm vụ trung tâm. Xây dựng và phát triển Mặt trận Việt Minh để đoàn kết và phát huy sức mạnh toàn dân tộc. Theo sáng kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng ta quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh (19/5/1941). Quan điểm, đường lối mà Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đề ra là cơ sở cho tổ chức và hoạt động của Mặt trận Việt Minh hướng vào mục tiêu cao nhất là giành độc lập dân tộc.
Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh đánh dấu bước ngoặt trong đường lối lãnh đạo cách mạng hướng tới việc mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, quy tụ và phát huy cao độ nội lực dân tộc cho cuộc cách mạng. Việc thành lập Mặt trận Việt Minh chính là nét đặc sắc của cách mạng Việt Nam, thể hiện ở chủ trương đoàn kết dân tộc của Đảng được đặt trên cơ sở của chính chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Chủ trương này được thực hiện nhất quán trong công tác vận động quần chúng của Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhất là sự lãnh đạo trực tiếp của Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh không chỉ làm cho khối đại đoàn kết dân tộc được mở rộng, củng cố, mà còn làm cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc được nâng lên một trình độ mới với chất lượng mới – đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của một đảng cách mạng chân chính. Kết quả là chỉ trong khoảng hai tuần, được nhân dân cả nước đồng lòng, đồng sức, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã diễn ra thắng lợi hoàn toàn trong cả nước.
Hướng tới kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân càng tiếp tục thấm nhuần và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc với tinh thần: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu; Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Giá trị này vẫn giữ nguyên tính thời sự trong thời kỳ cả nước đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhất là khi cả nước tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid 19.
Nguyễn Tùng Lâm